Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư: Để nỗi nhớ hóa thành lời văn

Quyển sách Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư do Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu với 28 tản văn – truyện ngắn cùng chất văn lãng mạn, giàu cảm xúc sắp được Sbooks ra mắt quý độc giả trong thời gian tới. Tha thiết mà không ủy mị, những câu chuyện trong tuyển tập này đủ khiến người ta lạc về một vùng trời của nỗi nhớ và hoài mong, song vẫn có thể mỉm cười yên vui với một tâm hồn thư thái khi đọc đến những trang cuối cùng.

Từ những mùa tuổi trẻ trên du nguyên…

Tuổi trẻ là chủ đề xuyên suốt trong các sáng tác của Nguyễn Hoàng Trung Hiếu. Không cầu kì hoa mỹ, tuổi trẻ của anh là những gam màu bình dị và chân quê với những món ăn mang mùi hương mẹ nấu như canh mướp đắng rừng, rượu gạo, hũ mẻ nhà làm,… Cách viết hồn hậu của nhà văn trẻ làm lòng ta như được tắm trong dòng suối ngọt lành và cũng khiến người đọc không khỏi ngẫm nghĩ về cách sống đầy chất “thiền”, đầy nhân văn mà tác giả truyền tải. 

di-doc-mua-nho-qua mien-tuong-tu
Tuổi thơ ngây ngô được Nguyễn Hoàng Trung Hiếu lột tả bình dị và gần gũi.

Không chỉ đong đầy hồi ức của một thời tươi trẻ tràn đầy nhựa sống, Nguyễn Hoàng Trung Hiếu còn đưa vào trang viết của mình những nhận định về thức ăn độc đáo theo cách của một người sống tận hưởng và cũng tận hiến: “Mỗi khi va vấp trên đường đời, nếm mùi chua chát, nhớ tới cuộc thăng trầm của hũ mẻ, chấp nhận trải qua phân rữa rũ mục, mới đem dâng cho đời; phần nào thấm được triết lý nhân sinh, tự làm dịu lại cái chát chúa mà trời cao có lúc tin tưởng quá, ký thác gánh nặng cho mình.” (Vị canh của mẹ)

… đến những miền tương tư của một thời biết thương biết nhớ

Đến với các tản văn và truyện ngắn trong phần Qua miền tương tư của nhà văn Hoài Hương, chúng ta lại được đưa về một thời mới biết thương, biết nhớ cùng những cảm xúc trong trẻo khó quên. Từng trang viết thấm đẫm tình cảm chân thành, giọng văn nhẹ nhàng da diết của nữ tác giả dễ dàng làm vấn vương những ai đã đọc qua quyển sách này.

di-doc-mua-nho-qua mien-tuong-tu
Giọng văn nhẹ nhàng của Hoài Hương dễ làm lay động lòng người.

Tình yêu giờ đây đã thành dĩ vãng, thế nhưng hồi ức về nó vẫn đủ mạnh mẽ để làm thổn thức những con tim giàu cảm xúc. Và, Hoài Hương đã dùng những hồi ức một thời của mình để viết nên những câu chuyện tình có mở đầu như cổ tích nhưng lại kết thúc đậm chất hiện thực. Với bối cảnh là những vùng đất nên thơ như Đà Lạt, Bảo Lộc, Sa Pa sương mờ hay Huế cổ kính u buồn, những nhân vật của Hoài Hương đã gặp nhau, yêu nhau trong mơ mộng để rồi chia ly cũng trong mộng mơ.

 Tình yêu trong Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư là thế, vừa thực vừa mơ, tuy dang dở nhưng cũng làm tuổi trẻ vẹn nguyên và không hối tiếc.

Có một Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư nên thơ đến thế

Đời người vốn vội vã, người ta thường bị cuốn vào vòng xoay tấp nập của cuộc sống mà lãng quên đi những kí ức của tuổi trẻ một thời. Nhưng đối với Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, những câu chuyện nhuốm màu thời gian lại là những gì tươi đẹp, ấm áp. Hai tác giả đã góp nhặt những câu chuyện ấy, hóa thành lời văn để vỗ về trái tim người đọc.

di-doc-mua-nho-qua mien-tuong-tu
Nhẹ nhàng mà sâu lắng, ngọt ngào mà cũng trầm buồn,… Quyển sách sẽ đưa người đọc đến những cung bậc khác nhau trong cảm xúc.

Tình yêu trong Đi dọc mùa nhớ – qua miền tương tư không đơn thuần là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu với gia đình, với thiên nhiên, với quê hương đất nước. Mảnh đất Việt Nam hiện lên trong quyển sách là nỗi nhớ bâng khuâng với đặc sản quê nhà, loài cây thân thuộc, món canh dân dã,… 

Đọc Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư, ta được một lần lắng lòng lại và tìm thấy chính mình trong hồi ức và lời văn đầy chất thơ của hai tác giả. Để rồi từ đó, ta mang nỗi nhớ ấy đi đến ngày mai với một tâm hồn đầy yêu thương, để nhìn đời nhẹ nhàng hơn, lạc quan hơn và thấu cảm hơn. 

Tags: #Đi dọc mùa nhớ – Qua miền tương tư #Hoài Hương #Nguyễn Hoàng Minh Hiếu

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận