Bộ tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” của nhà văn Lại Văn Long sắp được Sbooks ra mắt bạn đọc trên toàn quốc. Sáu tập truyện với 2500 chữ đã đem đến cho tác giả Kỷ lục Bộ tiểu thuyết hình sự dài tập nhất Việt Nam: “Tập 1: Mật danh Đ9”, “Tập 2: Oán thù trớ trêu”, “Tập 3: Gia tộc tướng cướp”, “Tập 4: Phát súng chính nghĩa”, “Tập 5: Lật án tử hình”, “Tập 6: Hồng nhan sương khói”. Hấp dẫn, gay cấn nhưng cũng thấm đẫm tình người, sáu quyển tiểu thuyết của Lại Văn Long chắc chắn sẽ làm các độc giả yêu sách trinh thám thỏa mãn.
Khắc họa rõ nét chân dung từng nhân vật thiện – ác
Từng được làm thành bộ phim truyền hình dài 1.000 tập, bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa có số lượng nhân vật lớn, song các nhân vật đều nổi bật với tiếng nói, cảm xúc riêng. Những vụ án được nhà văn Lại Văn Long đưa lên trang sách của mình được ông đúc kết sau nhiều năm làm phóng viên hình sự. Những nhân vật tội phạm “cộm cán” như Chín Tàu Bay (Mật danh Đ9), chàng trai dân tộc Chăm tên Thổ Trung Thụ mang trong mình mối huyết thù (Oán thù trớ trêu), bà Tám Lai và dòng họ nhiều đời làm tướng cướp (Gia tộc tướng cướp),…
Những tấm gương trinh sát của lực lượng công an TP.HCM như đại tá Minh liêm khiết, công bằng, nhân ái, thiếu tá Thanh – đội phó đội đặc nhiệm là mẫu người hùng chiến trận, thông minh, quyết đoán, những “bóng hồng” mạnh mẽ và gan dạ như đại úy Hoa, thượng úy Thu,…
Dưới sự miêu tả chân thực của Lại Văn Long, hai cánh thiện – ác Nhân vật dưới ngòi bút sắc sảo của ông rất đời, rất người. Tội phạm cũng có những mặt lương thiện, chiến sĩ công an cũng có những khi yếu lòng. Từng câu chuyện riêng lẻ, từng mảnh ghép số phận cá nhân đan cài vào nhau để dệt nên bức tranh lịch sử dân tộc vừa hào hùng vừa bi tráng từ thời chiến cho đến hậu chiến, từ thời kì bao cấp cho đến giai đoạn đất nước đổi mới. Tất cả làm nên một “Hồ sơ lửa” vừa hấp dẫn, thú vị vừa phản ánh sát sao sự giằng co tranh đấu giữa chính và tà, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa người chấp pháp và kẻ thủ ác trong xã hội Việt Nam.
“Hồ sơ lửa” và khát khao đi tìm chân lý và tôn vinh cái thiện
Cách viết của ông gãy gọn lôi cuốn, tiết tấu nhanh làm người đọc phải hồi hộp khi dõi theo bước chân nhân vật. Ẩn trong lời văn có phần lạnh lùng của Lại Văn Long là những quan điểm sâu sắc về thời cuộc, về con người. Những trích đoạn miêu tả nội tâm nhân vật vừa đủ nhưng vẫn khiến người đọc hết sức đồng cảm:
“Nhìn kẻ thù ngày nào giờ như cái xác chết Nương bỗng buồn lặng, bao nhiêu căm thù suốt 15 năm nhanh chóng tan biến. Trước mắt cô giờ chỉ còn một thân thể tàn tạ, thảm hại, chờ trút hơi thở cuối cùng làm cô xót xa. Nương đi đến bên giường, quỳ xuống vuốt cái đầu trọc lóc của Liễu, nghẹn ngào:
– Em không hận chị đâu. Nếu một người đàn bà khác cướp đi hạnh phúc của gia đình em, em cũng sẽ làm như chị đã làm với em thôi. Đàn bà tụi mình thật tội nghiệp chị nhỉ, không khổ đường này cũng khổ đường khác…” (Tập 2 – Oán thù trớ trêu)
Lại Văn Long thông qua những trang viết của Hồ Sơ Lửa để nhắc nhở mọi người hãy tự nhìn nhận một cách toàn diện hơn về bản chất của tội ác. Cái thiện và cái ác luôn tồn tại trong mỗi con người, chỉ cần vì hoàn cảnh mà sẩy chân là sẽ rơi vào vòng xoáy tội phạm khó có đường lui. Những câu chuyện của Lại Văn Long hướng người ta đến cái thiện, mang giá trị nhân văn rất cao. Và cũng chính vì thế, nhà văn nhận mình là một “ngòi bút hướng thiện”. Ông mang tấm lòng trân trọng với những người chấp pháp và cũng hết sức bao dung với những tội phạm mong muốn phục thiện.
Không chỉ đơn thuần là câu chuyện hình sự gay cấn, Hồ sơ lửa còn mang lại những giá trị nhân văn và phản ánh hiện thực xã hội. Đừng bỏ lỡ bộ truyện này các bạn nhé!
Tags: #Hồ sơ lửa #Lại Văn Long